Cuộc đời Bobby Fischer được gắn liền với những biệt danh như: vĩ nhân, quái dị, ngông cuồng… là tất cả những gì tồn tại bên trong con người kỳ thủ người Mỹ, biến cuộc đời ông thành một bức tranh muôn màu.
Không là trò chơi may rủi, cờ vua là sự kết hợp giữa nghệ thuật, khoa học và thể thao, dựa thuần túy vào chiến thuật và chiến lược. Những người chơi hay nhất cũng không thể tính hết mọi phương án, bởi chỉ có 64 ô và 32 quân cờ nhưng số lượng nước đi có thể vượt cả số lượng các nguyên tử có trong vũ trụ. Lối tư duy của cờ vua có thể áp dụng vào nhiều mặt của cuộc sống
Năm 1972, môn thể thao này trở thành một trò chơi chính trị đỉnh cao, và thu hút sự chú ý của thế giới vào thời điểm cao trào của Chiến tranh lạnh. Đó là khi Fischer đến Iceland để đối đầu Boris Spassky của Liên Xô. Trong bối cảnh về sự căng thẳng đang leo thang trong mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô, trận đấu này được xem là một cuộc đối đầu về trí tuệ giữa hai siêu cường. Đối với nước Mỹ, chiến thắng này không chỉ giới hạn trong bàn cờ 64 ô. Đến nay Fischer là công dân Mỹ duy nhất từng vô địch cờ vua thế giới. Thế nhưng, sau vinh quang ấy, ông đã trở thành người xa lạ trên chính quê hương mình.
Sinh ngày 9/3/1943 tại Chicago, Fischer thừa hưởng khả năng tư duy logic từ bố là nhà vật lý người Đức Hans Gerhardt Fischer. Tính cách kiêu ngạo, bốc đồng, ngang bướng và thích đòi hỏi của Fischer được thể hiện rõ ràng trong các trận đấu sau này của ông. Còn từ khi rất nhỏ, ông đã sống với nhịp điệu riêng của mình, đối nghịch với sự phát triển thông thường của những đứa trẻ khác.
Vào một ngày mưa tháng 3/1949, Joan Targ Fischer, chị gái của Bobby cố gắng tìm một trò chơi mới để thỏa mãn tính hiếu động của cậu em trai. Joan mua một bộ cờ bằng nhựa với giá 1 USD tại cửa hàng bánh kẹo. Cả hai chị em đều chưa từng nhìn thấy các quân cờ trước đây. Họ lần theo hướng dẫn trong hộp cờ để mày mò cách chơi, và đối thủ đầu tiên của Bobby chính là chị gái. Tuy nhiên Joan là học sinh giỏi, luôn bận rộn với đống bài tập nên không có hứng thú cho cờ vua. Thế là Bobby dạy cho mẹ, bà Regina Fischer.
Nhưng mẹ của Bobby cũng chẳng có mấy khi rãnh để chơi cờ cùng con trai, do đó, Fischer đã phải tự chơi với chính mình.
Sự quan tâm của Fischer đối với cờ vua trở nên quan trọng hơn bài vở ở trường, đến mức “khi lên lớp 4, anh ấy đã tham gia và ra khỏi 6 trường học”.